Khảo sát địa chất dân dụng, công nghiệp
Các công trình đã từng thực hiện:
- Xây dựng bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 Hà Nam
- Nhà máy Duckshin Housing
- Nhà máy Brico – giai đoạn2
- Khu tiểu thủ công nghiệp Nhật Tân – Hà Nam
- Nhà cao tầng Ông Trần Trọng Thanh Khu X3 thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì, Thành phố Hà Nội
- Dự án nhà máy CMISTONE Việt Nam
- Khu du lịch Nha Trang Seahorse Resor & Spa
- Trung tâm Thương mại, tài chính văn phòng và khách sạn Hạ Long
- The Bay Viem Tower
- ……………
Khi thiết kế và xây dựng các công trình dân dụng công nghiệp thường nảy sinh một số vấn đề địa chất công trình sau:
Vấn đề về khả năng chịu tải của đất nền: Khi công trình xây dựng trên các vùng trầm tích có khả năng chịu tải thấp, đất nền sẽ không đáp ứng được điều kiện làm việc bình thường của công trình. Việc đánh giá khả năng chịu tải của đất nền gắn liền với quy mô kết cấu công trình. Kết quả đánh giá khả năng chịu tải của các lớp đất là cơ sở lựa chọn giải pháp kết cấu móng và lớp đặt móng cho công trình.
Vấn đề về biến dạng của đất nền: Công trình xây dựng trên đất nền, đặc biệt là đất nền có khả năng chịu tải thấp, thường phát sinh vấn đề biến dạng lún. Biến dạng lún của công trình, nếu vượt quá giới hạn cho phép sẽ làm biến dạng và hư hỏng công trình. Việc đánh giá khả năng biến dạng lún, đặc biệt là lún không đều, có ý nghĩa quan trọng trong việc tìm kiếm giải pháp kết cấu tốt nhất, bảo đảm sự ổn định lâu dài và làm việc bình thường của công trình.
Các vấn đề liên quan đến điều kiện thi công và sử dụng nền: Các vấn đề này thường gặp trong giai đoạn thi công xây dựng công trình như nước chảy vào hố móng, cản trở quá trình thi công, vấn đề ổn định vách hố móng và ổn định đáy hố móng do tác dụng của nước khi mực áp lực phân bố cao hơn đáy hố móng …
Kết quả dự báo đúng đắn được các vấn đề đcct có thể phát sinh sẽ là cơ sở quan trọng để lựa chọn giải pháp thiết kế cũng như các biện pháp công trình hợp lý.
Vị trí khảo sát: Các công trình thăm dò được bố trí ngay trên chu vi xây dựng và tại các vị trí quan trọng của công trình. Tùy thuộc mức độ phức tạp của điều kiện địa chất công trình mà các công trình thăm dò có thể bố trí theo mạng lưới khác nhau.
Số lượng, vị trí hố khoan: Trường hợp vị trí xây dựng các hạng mục công trình chưa được xác định trên diện tích xây dựng và khi điều kiện địa chất công trình không phức tạp thì có thể bố trí các công trình thăm dò theo mạng lưới và khoảng cách giữa các công trình thăm dò cần được cân nhắc đến vị trí xây dựng công trình tương lai. Trong khu vực xây dựng có bố trí nhiều hạng mục khác nhau, các điểm thăm dò được bố trí tập trung vào diện tích xây dựng của các hạng mục công trình, nhưng cần tạo thành những tuyến nghiên cứu trên toàn bộ diện tích xây dựng. Khoảng cách giữa các công trình thăm dò phụ thuộc mức độ phức tạp của điều kiện địa chất công trình, độ nhạy của công trình với lún không đều và cấp công trình.
Chiều sâu các công trình: được xác định dựa vào chiều sâu đới tác động giữa công trình và môi trường địa chất, trước hết là dựa vào chiều sâu đới chịu nén.
Công tác thí nghiệm ngoài trời: các phương pháp xuyên thường được bố trí xen kẽ công tác khoan khảo sát để phân chia chi tiết địa tầng và cung cấp một số đặc trưng cơ lí của đất nền như khả năng chịu tải, mô đun biến dạng, và xác định độ chặt của các lớp đất rời. Những nội dung này khó có thể giải quyết bằng thí nghiệm trong phòng, do không lấy được mẫu nguyên trạng. Đối với công trình thiết kế cọc ma sát thì tốt nhất là bố trí công tác xuyên. Tài liệu xuyên sử dụng tính toán sức chịu tải của cọc khá hiệu quả. Đặc biệt, căn cứ kết quả xuyên cho phép chọn được lớp và chiều sâu đặt mũi cọc rất tốt. Ngoài ra, tài liệu xuyên sẽ cho phép đánh giá được khả năng thi công cọc rất sát với điều kiện thực tế.
Công tác chỉnh lý tài liệu và viết báo cáo dân dụng, công nghiệp phục vụ thiết kế kỹ thuật:
- Các mặt cắt địa chất công trình theo các tuyến nghiên cứu có tỷ lệ thích hợp;
- Bảng tổng hợp các giá trị tiêu chuẩn và giá trị tính toán của các đặc trưng cơ lí của các lớp đất tương ứng phân chia trên mặt cắt đcct;
- Hình trụ các hố khoan khảo sát;
- Các tài liệu gốc của thí nghiệm trong phòng và ngoài trời;
- Kèm theo các tài liệu trên là báo cáo kết quả khảo sát. Nội dung báo cáo phản ánh điều kiện đcct của diện tích nghiên cứu. Khi điều kiện đcct không đồng nhất và biến đổi mạnh, cần có đánh giá điều kiện đcct và cung cấp số liệu tính toán thiết kế cho tường hạng mục công trình.
- Kết quả khảo sát cần đưa ra các dự báo khả năng phát sinh các vấn đề địa chất công trình bất lợi, kiến nghị giải pháp móng, xác định lớp và chiều sâu đặt móng …