Sân bay là công trình tổng hợp gồm rất nhiều hạng mục khác nhau. Ngoài các hạng mục công trình như nhà điều hành bay, nhà ga sân bay, các kho tàng, bãi đỗ máy bay, … đường băng là công trình quan trọng nhất, đòi hỏi kỹ thuật xây dựng cao. Các vấn đề địa chất công trình của đường băng nhìn chung cũng tương tự như đới với nền đường. Tuy nhiên, khả năng chịu tải trọng của đường băng rất lớn, nhất là khi máy bay lên xuống. Ngoài ra, các yếu tố khác như địa hình xung quanh sân bay, khí tượng, … cũng ảnh hưởng đến điều kiện hoạt động bình thường của sân bay.
Công tác khảo sát địa chất có nhiệm vụ cung cấp các tài liệu địa chất công trình cần thiết phục vụ thiết kế kỹ thuật xây dựng sân bay. Các tài liệu khảo sát khảo sát địa chất chi tiết cho phép xác định được sơ đồ tính toán nền của các hạng mục công trình của sân bay, lập thiết kế các biện pháp bảo vệ …
Trên diện tích phương án xây dựng sân bay đã được lựa chọn, tiến hành đo vẽ với tỷ lệ 1:5.000. Nội dung đo vẽ ngoài việc làm sáng tỏ các yếu tố của điều kiện đcct, đặc biệt phải chú ý đến điều kiện thoát nước của lãnh thổ, quá trình xâm thực, bào mòn thổ nhưỡng, sự thành tạo mương xói, nghiên cứu mặt cắt thổ nhưỡng và chú ý sự bảo tồn toàn vẹn và biến đổi không gian của nó, xác định mật độ và bề dày lớp cỏ, độ thấm nước của đất thổ nhưỡng và đất nền.
Công tác khoan địa chất được bố trí trực tiếp vào các vị trí xây dựng cả các hạng mục công trình. Trên các dải đường băng cất cánh và hạ cánh có lớp phủ nhân tạo, các công trình thăm dò được bố trí trên tuyến chính theo tim và 2 tuyến phụ song song với tuyến chính, cách mép lớp áp phủ đường băng 10m. Khoảng cách các công trình thăm dò từ 150 đến 200m. Trên các khu vực bãi đỗ máy bay và các hạng mục khác như nhà ga, nhà điều hành, nhà kho, các công trình thăm dò được bố trí theo diện tích xây dựng các hạng mục công trình.
Công tác lấy mẫu và thí nghiệm xác định các đặc trưng cơ lí của đất đá được lấy theo các đơn nguyên địa chất công trình tại vị trí xây dựng của các hạng mục công trình, bảo đảm cho phép xác định các giá trị tiêu chuẩn và giá trị tính toán của các chỉ tiêu cơ lí phục vụ thiết kế. Xác định tính ăn mòn kết cấu bê tông của nước mặt và nước dưới đất.
Công tác thí nghiệm ngoài trời có thể được thực hiện bằng hàng loạt các phương pháp như xuyên động, xuyên tĩnh kết hợp với công tác thăm dò để làm sáng tỏ cấu trúc địa chất, xác định một số đặc trưng cơ lí của đất nền, thí nghiệm nẽn tính khu vực đường băng, bãi đỗ, thí nghiệm nén hông, cắt cánh tại vị trí xây dựng các hạng mục công trình. Trong giai đoạn này đặc biệt phải chú ý tiến hành một số thí nghiệm đổ nước trong hố đào, hố khoan để đánh giá khả năng thấm nước của lớp phủ, thí nghiệm hút nước để đánh giá khả năng cấp nước cho sân bay… Việc tìm kiếm, thăm dò các mỏ vật liệu khoáng tự nhiên để xây dựng sân bay cũng có ý nghĩa rất quan trọng trong giai đoạn khảo sát đcct chi tiết
Đối với các khu vực có điều kiện đặc biệt như phân bố đất yếu, có sự phát triển của các quá trình và hiện tượng địa chất ảnh hưởng đến sự hoạt động bình thường của sân bay thì có thể lập đề cương nghiên cứu bổ sung.