Cầu Vĩnh Bình sập sau 2 tuần khánh thành

Khảo sát địa chất theo kiểu “làm cho có”, cầu Vĩnh Bình thuộc xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Hưng, Long An bị sập sau 2 tuần sử dụng.

Cây cầu là một trong những công trình do nhà nước và nhân dân cùng đóng góp xây dựng với kinh phí khoảng 2,5 tỉ đồng. Sau 2 tuần chính thức đưa vào sử dụng, cây cầu bất ngờ bị sập 1 nửa, mố cầu bị trượt ra khỏi vị trí, các cơ quan chức năng đã khắc phục sự cố. Nguyên nhân được xác định là do các đơn vị thi công thiếu kinh nghiệm dẫn đến kết quả khảo sát địa chất và thiết kế không chính xác dẫn đến sập cầu.

Cau vinh binh bi sap mot nua

Ngày 31/7, ông Nguyễn Văn Chỉnh-phó giám đốc sở GTVT Long An cho biết: công trình này là do UBND xã Vĩnh Bình làm chủ đầu tư, chọn nhà thầu khảo sát thiết kế và chọn đơn vị thi công. Do chưa có kinh nghiệm trong các công tác xây dựng cơ bản nên các đơn vị sai phạm, xã có trách nhiệm xử lý trực tiếp.

Qua quá trình điều tra đơn vị sai lớn nhất đó là đơn vị khảo sát thiết kế đó là công ty cổ phần Xây dựng thương mại dịch vụ Bình Phú Long An, đơn vị này đã không tiến hành khoan khảo sát địa chất, không theo dõi chặt chẽ trong suốt quá trình thi công. Đơn vị này hết sức chủ quan nên đã không lường trước được hậu quả xảy ra khi thi công trên nền địa chất phức tạp như vậy.

Cau vinh binh bi sap 1 nua 3

Bên cạnh đó sai phạm cũng có phần của Trung tâm tư vấn và công nghệ cầu đường tỉnh Long An, trung tâm này khi thẩm tra hồ sơ thiết kế kĩ thuật đã không tư vấn, cảnh báo cho chủ đầu tư, trung tâm này cũng có tư tưởng rất sai lệch khi tư vấn cho chủ đầu tư tham khảo địa chất công trình trong vùng để giảm chi phí khoan địa chất.

Đơn vị tư vấn giám sát do Công ty TNHH tư vấn thiết kế xây dựng Vĩnh Hưng đảm nhận cũng đã lơ là trong việc theo dõi, kiểm tra khi đóng cọc mố và trụ.

Đơn vị thi công là Doanh nghiệp tư nhân Hiệp Lực do thiếu kinh nghiệm nên chỉ thi công theo thiết kế, hoàn toàn không có sự nhìn nhận, phán đoán sự cố để có đề xuất với chủ đầu tư.

cau vinh binh bi sap 1 nua 2

Trong sự việc này đơn vị thiết kế có lỗi lớn nhất và phải chi trả cho số tiền sửa chữa dự kiến là 400 triệu đồng, các đơn vị có liên quan cũng phải chịu trách nhiệm.Vậy tại sao các đơn vị không đủ năng lực mà vẫn trúng thầu? Trả lời cho câu hỏi này ông Chỉnh cho biết: các công trình giao thông dưới 5 tỷ đồng đều được giao cho UBND huyện quản lý, các đơn vị được chọn đều có kinh nghiệm nhưng có thể do phân công nội bộ chưa hợp lý nên mới xảy ra sự cố.

Hiện nay một đơn vị thiết kế có kinh nghiệm đã được thay thế để tính toán và đưa ra giải pháp tốt nhất cho công trình này. Đơn vị thi công đã thực hiện đúng theo bản thiết kế, không xảy ra sai sót gì nên vẫn tiếp tục thi công.

Thiệt hại được ghi nhận là 1 trụ, 1 mố và giải pháp đưa ra để sửa chữa cầu là gia cố thêm 4 cọc nữa, kéo dài thêm 9m cầu và làm thêm chiếc cầu cạn.

Qua sự cố trên có thể thấy rằng việc khảo sát địa chất là công việc không thể xem thường, không nên vì lợi ích trước mắt mà bỏ qua công tác này bởi nếu không may xảy ra sự cố, những thiệt hại về người và của là không thể lường trước được.