Tạo hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư xây dựng công trình
(Xây dựng)- Để đảm bảo sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư xây dựng công trình, Chính phủ đã ban hành Nghị định 37/2015/NĐ-CP quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng. Nghị định là sự kế thừa của Nghị định số 48/2010/NĐ-CP và Nghị định số 207/2013NĐ-CP về hợp đồng trong hoạt động xây dựng.
Điều khoản trong hợp đồng xây dựng sẽ được quy định rõ ràng
Các kiến nghị phải bằng văn bản
Hiện nay, vấn đề quản lý thực hiện hợp đồng xây dựng chủ yếu thực hiện bằng miệng. Điều đó gây nên sự chậm chễ trong quá trình thực hiện hợp đồng xây dựng. Để giải quyết vẫn đề này, Nghị định quy định rõ, trong phạm vi quyền và nghĩa vụ của mình, các bên cần lập kế hoạch và biện pháp tổ chức thực hiện phù hợp với nội dung của hợp đồng xây dựng đã ký kết nhằm đạt được các thỏa thuận trong hợp đồng. Tùy theo loại hợp đồng xây dựng, nội dung quản lý thực hiện hợp đồng xây dựng bao gồm: quản lý tiến độ thực hiện hợp đồng, quản lý về chất lượng, quản lý khối lượng và giá hợp đồng, quản lý về an toàn lao động, bảo vệ môi trường và phòng chống cháy nổ, quản lý điều chỉnh hợp đồng và các nội dung khác của hợp đồng.
Bên giao thầu, bên nhận thầu phải cử và thông báo cho bên kia về người đại diện để quản lý thực hiện hợp đồng xây dựng. Người đại diện của các bên phải được toàn quyền quyết định và chịu trách nhiệm về các quyết định của mình trong phạm vi quyền hạn được quy định trong hợp đồng. Tất cả các kiến nghị, đề xuất, yêu cầu và các ý kiến phản hồi của các bên trong quá trình quản lý thực hiện hợp đồng xây dựng phải thực hiện bằng văn bản. Nội dung văn bản kiến nghị, đề xuất, yêu cầu cần thể hiện căn cứ, cơ sở, hiệu quả (nếu có) của các kiến nghị, đề xuất, yêu cầu và thời hạn trả lời theo đúng thỏa thuận trong hợp đồng. Khi nhận được kiến nghị, đề xuất, yêu cầu của một bên, bên kia phải trả lời bằng văn bản về việc chấp thuận hoặc không chấp thuận đúng thời hạn quy định đã được các bên thỏa thuận trong hợp đồng xây dựng, nhưng tối đa là bảy (07) ngày làm việc kể từ ngày nhận được kiến nghị, đề xuất, yêu cầu, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Sau khoảng thời gian này nếu bên nhận được kiến nghị, đề xuất, yêu cầu không giải quyết mà không đưa ra lý do chính đáng gây thiệt hại cho bên kia, thì phải hoàn toàn chịu trách nhiệm và bồi thường thiệt hại cho bên kia (nếu có). Các kiến nghị, đề xuất, yêu cầu của các bên trong quá trình quản lý thực hiện hợp đồng phải gửi đến đúng địa chỉ giao dịch hoặc địa chỉ trao đổi thông tin mà các bên đã thỏa thuận trong hợp đồng xây dựng.
Mức tạm ứng hợp đồng không quá 50%
Nhằm tạo sự minh bạch trong thực hiện hợp đồng xây dựng, Nghị định số 37/2015/NĐ-CP quy định rõ mức tạm ứng hợp đồng. Về nguyên tắc, mức tạm ứng hợp đồng không được vượt quá 50% giá trị hợp đồng tại thời điểm ký kết (bao gồm cả dự phòng nếu có). Đối với trường hợp đặc biệt thì phải được người có thẩm quyền quyết định đầu tư cho phép hoặc Bộ trưởng, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn, TCty đối với trường hợp người có thẩm quyền quyết định đầu tư là Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, đối với hợp đồng tư vấn, mức tạm ứng tối thiểu là 15% giá hợp đồng đối với hợp đồng có giá trị trên 10 tỷ đồng, 20% giá hợp đồng đối với các hợp đồng có giá trị đến 10 tỷ đồng. Đối với hợp đồng thi công xây dựng công trình, mức tạm ứng tối thiểu là 10% giá hợp đồng đối với hợp đồng có giá trị trên 50 tỷ đồng; 15% giá hợp đồng đối với hợp đồng có giá trị từ 10 – 50 tỷ đồng và 20% giá hợp đồng đối với các hợp đồng có giá trị dưới 10 tỷ đồng…
Những quy định tại Nghị định này được áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc xác lập và quản lý thực hiện hợp đồng xây dựng thuộc dự án đầu tư xây dựng của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước.
Ngoài ra, Nghị định số 37/2015/NĐ-CP cũng được áp dụng đối với dự án xây dựng có sử dụng vốn nhà nước, vốn của doanh nghiệp nhà nước từ 30% trở lên hoặc dưới 30% nhưng trên 500 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư của dự án.
Ông Phạm Văn Khánh – Vụ trưởng Vụ Kinh tế xây dựng, Bộ Xây dựng cho biết: “Quản lý thực hiện hợp đồng là nội dung quan trọng trong Nghị định quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng. Thứ nhất là các kiến nghị, đề xuất trong quá trình quản lý thực hiện hợp đồng phải bằng văn bản. Thứ hai là đưa ra được thời hạn giải quyết đề xuất kiến nghị trên nhằm đẩy mạnh công tác quản lý thực hiện hợp đồng. Đây là nội dung quan trọng nhằm thực hiện quyết tâm của Chính phủ trong cải cách hành chính”.
Theo baoxaydung.com.vn