Nền móng quyết định sự bền vững của cả công trình

Trong một ngôi nhà nền móng là phần quan trọng nhất giúp ngôi nhà vững chắc trước mọi biến động. Nền móng yếu, nhà có thể bị sụt lún, tường bị nứt, tách, thậm chí có thể bị sập. Vì vậy để xây nhà đẹp từ trong ra ngoài, chủ nhà cần phải khảo sát địa chất trước khi xây dựng.

Có rất nhiều vấn đề cần tìm hiểu trước khi xây dựng một ngôi nhà như chọn nguyên vật liệu, giá cả nguyên vật liệu, màu sắc hay trang trí nội thất…và ít sự quan tâm hay đầu tư cho nền móng nhà. Sẽ như thế nào nếu một ngôi nhà đẹp lung linh nhưng sau một vài năm sử dụng, tường ngôi nhà bị nứt, tách ra, hay ngôi nhà bắt đầu bị nghiêng về một phía? Nguyên nhân của việc sụt lún là do nền móng nhà yếu không chịu được trước các hoạt đông địa chất phức tạp.

xay dung nen mong

Vậy nền móng là gì?

Nền móng được định nghĩa là kết cấu kỹ thuật nằm dưới cùng, có chức năng trực tiếp chịu tải trọng của công trình vào nền đất, chịu được sức ép của các tầng, đảm bảo sự kiên cố,bền vững của cả công trình.

Các loại móng

Móng giống như chiếc chân đế với các kích thước và hình dạng khác nhau tùy thuộc vào điều kiện địa chất của từng khu vực. Khi tòa nhà có độ cao nhất định hoặc xây dựng trên nền đất mềm, yếu thì nền móng phải được thiết kế to ngang và sâu để diện tích tiếp xúc với đất là lớn nhất. Tùy thuộc vào tải trọng, độ cao của tòa nhà và tính chất các tầng đất mà các kỹ sư sẽ thiết kế các loại móng phù hợp và an toàn nhất. Với những ngôi nhà nhỏ, ít tầng thì nền móng không quá phức tạp, trừ khi xây trên nền đất quá mềm. Đối với các công trình lớn như chung cư, nhà cao ốc móng phức tạp hơn rất nhiều và được thiết kế thi công một cách tỉ mỉ, chính xác.

Thông thường có các loại móng sau đây:

  • Móng tự nhiên: là loại móng được hình thành trong tự nhiên thường là những địa điểm có đất cứng, rắn chắc, không cần tác động vào do nó có đủ khả năng chịu tải trọng của công trình. Thường áp dụng cho các ngôi nhà đơn sơ như nhà tranh, nhà lá, nhà sàn,…
  • Móng đơn: là móng đỡ cho một cột hoặc một cụm các cột đứng gần nhau.

Móng đơn

  • Móng băng: có dạng dải dài độc lập hoặc giao nhau, dùng để đỡ tường hoặc hàng cột. Móng băng là loại móng nông, được xây trên hố đào trần sau đó lấp lại, móng được chôn sâu 2-3m dưới đất, trong trường hợp đặc biệt có thể sâu 5m.

mong-bang

 

  • Móng bè: trải rộng dưới toàn bộ công trình nhằm giảm áp lực của tòa nhà lên nền đất. Móng bè là một loại móng nông, được dùng ở nơi có nền đất yếu hoặc do cấu tạo của tòa nhà.

Móng bè

  • Móng cọc: gồm có cọc và đài cọc dùng để truyền tải trọng của công trình xuống lớp đất đá ở sâu trong lòng đất. Cọc tre hay cọc cừ tràm thường được sử dụng để gia cố nền đât dưới móng, với công trình lớn thương sử dụng cọc nhồi bê tông để làm tăng khả năng chịu tải trọng cho nền móng

Móng cọc

Xây dựng móng

Tùy theo đặc điểm của từng tòa nhà mà có những bước xây nền móng khác nhau, tuy nhiên có một số công đoạn chính như sau:

  • Khảo sát địa chất: là khâu quan trọng nhất trong toàn bộ quá trình. Việc đầu tiên là phải tham khảo tài liệu về lịch sử thành tạo và điều kiện địa chất của khu vực. Xác định vị trí, chiều sâu, số lượng các điểm khảo sát cùng phương pháp khảo sát. Vị trí các điểm khảo sát được bố trí theo chu vi móng và một vài điểm ở giữa công trình để thiết lập mặt cắt địa chất. Chiều sâu các điểm khảo sát phải vượt quá tầng chịu nén Ha. Đối với móng cọc, các hố khoan, hố xuyên phải vượt qua đầu cọc từ 7m50 đến 10m để thiết kế cọc và độ lún cho cọc. ngoài ra phải xác định mực nước ngầm, tính ăn mòn với bê tông.
  • Thiết kế: Đối với nhà cao tầng thường dùng móng cọc khoan nhồi, đường kính cọc dao động trong khoảng 0m80 đến 1m40. Đối với nhà cao trên 30 tầng thì dùng móng cọc Baret. Đầu cọc phải được cắm vào tầng đất chắc, đài cọc có bề dày bằng hoặc lớn hơn 2 lần đường kính cọc khoan nhồi và lớn hơn 2 lần chiều rộng cọc Baret.
  • Thi công: Cần chú ý chất lượng, đảm bảo an toàn với tầng hầm nhà cao tầng hoặc các hố đào sâu với công trình lân cận.

Nhà bị nghiêng do 1 bên móng bị lún

Việc khảo sát địa chất mang tính chất quyết định, khâu khảo sát mà sai sẽ dẫn đến sai cả các bước về sau gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ công trình. Mới đây vụ sập cầu Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Hưng, Long An là minh chứng rõ ràng nhất.