Việt Nam thuộc vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, đặc trưng của khí hậu này đó là thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều hoặc khảo sát địa chất qua loa đều ảnh hưởng trực tiếp đến các công trình và gây nên hiện tượng nứt kết cấu, thấm nước,.Hiện tượng nứt kết cấu, thấm nước gây tiêu hao nguồn nước trong các hồ chứa, bể chứa, tường ẩm mốc gây mất vệ sinh, thẩm mỹ và độ bền của công trình. Hiểu rõ được điều này có thể đưa ra các biện pháp chống thấm hợp lý cho công trình.
- Nguyên nhân gây thấm
Về mặt lý thuyết, các loại vật liệu đều có khoảng cách giữa các hạt được gọi là mao quản. Khoảng cách này dao động trong khoảng 20 đến 40 micromet(1micromet=1/1.000milimet). Khi bề mặt này tiếp xúc với nước, dù ít hay nhiều, nước xâm nhập qua các mao quản gây ra hiện tượng thấm.
- Khí hậu ở Việt Nam là nóng ẩm, mưa nhiều, nhiệt độ chênh lệch giữa các mùa trong năm khá lớn có thể làm phá hủy bề mặt, cấu trúc vật liệu tạo điều kiện cho nước xâm nhập bởi hiện tượng co giãn liên tục của vật liệu khi thời tiết thay đổi.
- Bản chất của bê tông có tính đàn hồi, giãn nở sẽ đặc chắc, không có mao quản nếu được thi công đúng kỹ thuật, vật liệu thi công đúng quy chuẩn, đúng số lượng. Khi bê tông không thi công đúng tiêu chuẩn sẽ bị nứt, các hạng mục chống thấm không thể hàn gắn đường nứt lớn cũng như tham gia vào kết cấu công trình.
- Trong quá trình khoan khảo sát địa chất công trình không thực hiện một cách đầy đủ, chi tiết, không nắm vững tính chất địa chất của khu vực dẫn đến sai sót trong thiết kế kết cấu công trình, kết cấu móng nền yếu khiến cho công trình bị sụt lún, nứt và thấm.
- Tại những mạch ngừng giữa sàn với chân tường, sàn với sàn-đúc sàn ở hai thời điểm khác nhau, hay điểm tiếp giáp giữa các ống kỹ thuật đi xuyên đà, xuyên sàn đều có phần liên kết lỏng lẻo. Việc thay đổi thiết kế, sửa chữa cũng là nguyên nhân gây thấm nếu không xử lý đúng cách.
- Do sự rò rỉ đường ống nước
2. Các phần của công trình dễ bị thấm
Đó là những phần tiếp xúc trực tiếp với môi trường, các phần trữ nước. Có thể phân loại như sau:
- Các phần tiếp xúc trực tiêp với đất, mạch nước ngầm: tầng hầm, móng nền, chân tường,..
- Các phần chịu tác động của nước mưa như mái, tường,…
- Các phần chịu tác động của nước sinh hoạt như sàn, tường, khu vệ sinh…
- Các khu vực bể chứa
3. Các vị trí xung yếu cụ thể
Như đã đề cập phía trên đó là các phần công trình dễ bị thấm, để chống thấm cần chú ý các vị trí cụ thể, chi tiết của công trình sau:
- Các mạch ngừng khi đổ bê tông
- Các vị trí tiếp giáp giữa khối xây và kết cấu
- Vị trí tiếp giáp giữa phần xây trước-sau hoặc phần xây cũ- mới
- Vị trí tiếp giáp giữa 2 công trình liền kề
- Chân kết cấu, thiết bị được chon, lắp ráp vào tường
- Miệng phễu thu thoát nước
- Vị trí đấu nối các ống cấp thoát nước
4. Giải pháp chống thấm
Việc chống thấm cần được được thực hiện ngay từ khâu thiết kế thi công công trình. Khi xảy ra hiện tượng thấm, việc tìm ra nguyên nhân và vị trí là điều quan trọng hàng đầu để đưa ra giải pháp thích hợp. Sau đây là một số giải pháp chống thấm cho công trình ngay từ giai đoạn thi công:
- Giải pháp kiến trúc:
– Nghiên cứu, khảo sát một cách kỹ lưỡng địa chất công trình, các tính chất cơ lý của đất đá, đặc điểm của mạch nước ngầm để có giải pháp thi công hợp lý cho móng nền, tầng hầm và chân tường.
– Vật liệu thi công đúng đủ theo tiêu chuẩn và theo thiết kế.
– Thực hiện thi công đúng theo quy trình và kỹ thuật.
– Thiết kế mái đảm bảo độ thoát nước tránh đọng nước. Với mái bằng phải đảm bảo độ dốc tối thiểu là 3%.
– Thiết kế mặt bằng, phân khu hợp lý để khu vực nhà vệ sinh, bể chứa, bể phốt không bị thấm nước sang các khu vực công trình lân cận.
– Tạo độ dốc 2-3% cho các sàn nhà vệ sinh, sân thượng, ban công hay các sàn chịu nước khác.
– Tường không nên xây quá mỏng, nên sử dụng gạch đúng tiêu chuẩn cho từng khối xây.
– Sử dụng phụ gia chống thấm đúng tỷ lệ và quy cách quy định của nhà sản xuất.
- Giải pháp hóa-vật liệu
– Chất chống thấm vô cơ: thành phần chính là silicat, dung dịch này thấm sâu, tương tác với bê tông, tram vào các mao mạch để ngăn nước.
– Chất chống thấm hữu cơ: nguồn gốc là bitum và polymer, dung dịch này được phủ lên bề mặt tạo thành lớp màng bảo vệ bề mặt, ngăn không cho nước tiếp xúc với vật liệu. Lớp màng này có thể đàn hồi ở nhiệt độ nhất định và có độ bền nhất định theo thời gian.
Để công trình có thể đứng vững theo thời gian, cần phải chú trọng công tác chống thấm ngay từ khâu khảo sát và thi công. Thường xuyên kiểm tra, duy tu bảo dưỡng công trình sau khi đã đưa vào sử dụng.